Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc là mục tiêu chính của chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam.
Quảng Nam với một “bộ sưu tập” di tích, danh thắng khá hấp dẫn nhưng chỉ Hội An, Mỹ Sơn có tên trên bản đồ du lịch. Còn lại, dường như đang phải chịu cảnh cửa đóng then cài. Con số 1,9 triệu lượt khách đến Quảng Nam trong vòng 9 tháng qua, dù được đánh giá là thành công, vẫn được ngành du lịch thừa nhận là thiếu một chiến lược xúc tiến dài hạn và chuyên nghiệp. TS. Nguyễn Quang - Giám đốc Habitat Việt Nam nhận định: Phát triển, quản lý du lịch bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc vẫn là sắc thái, đặc thù của chỉ Quảng Nam và hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng chính chuyên gia này cảnh báo rằng du lịch Quảng Nam đang phải đối mặt với tình trạng “không tìm ra cái gì mới mẻ”. Ngay cả Hội An, Mỹ Sơn dù đã có danh phận thì loại hình và sản phẩm du lịch vẫn chưa phong phú, chất lượng không đồng đều, khả năng cạnh tranh thấp.
Một chuyên gia du lịch khác, ông Joseph Van Doorm, cho rằng dẫu có sẵn tài nguyên thì vẫn không dễ tạo ra nét riêng biệt, chưa thể trở thành sản phẩm du lịch mà chỉ dạng tiềm năng nếu như không có dự án, mô hình cụ thể nào để phát triển. TS. Phạm Thúy Loan ở Habitat nói Quảng Nam đã thu hút 23% toàn bộ vốn FDI đăng ký cho các khách sạn nhà hàng ở cả Việt Nam trong vòng 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, có sự khác nhau lớn giữa vốn pháp định và giải ngân. Nỗ lực của chính quyền là rất cần thiết để phát triển ngành du lịch đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo nền tảng cho đầu tư tư nhân.
Du lịch được chọn là ngành kinh tế ưu tiên trong toàn bộ chiến lược phát triển Quảng Nam trong nhiều năm tới. Một chiến lược phát triển du lịch phải trên con đường mở rộng về văn hóa, theo hướng giá trị, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc hơn theo tam giác vàng di sản Hội An - Mỹ Sơn - Cù Lao Chàm; dọc theo đường Hồ Chí Minh và phân khúc các khách hàng khác nhau. Vấn đề quan trọng là chính quyền nên xây dựng chính sách ưu đãi cho các nhà khai thác tour địa phương. Việc phát triển cơ sở hạ tầng phải bắt đầu từ kế hoạch nâng cấp các tuyến đường giao thông, tạo sản phẩm hàng hóa từ nông nghiệp và các làng nghề; phát triển công nghiệp xanh ở ven biển, miền núi, quy hoạch du lịch về sinh thái... Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, việc mở rộng du lịch về phía nam Thu Bồn và ngược lên các vùng phía tây là lựa chọn đúng đắn. “Có thể hình dung không xa nữa dọc biển Quảng Nam sẽ mọc lên những resort cao cấp, quy hoạch một cách chuyên nghiệp. Làng quê ven sông Trường Giang sẽ được chỉnh trang và vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của vùng sông nước. Hiện cơ quan du lịch đang hoàn tất việc triển khai đón khách lên làng Bhờ Hôồng (Đông Giang) và Lộc Yên (Tiên Phước)” - ông Hài nói.
Chiến lược được xem là đầy đủ, cụ thể, có đủ khả năng để tạo một con đường mới cho du lịch Quảng Nam phát triển một cách hệ thống và bền vững. Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, xác nhận rằng để thực thi chiến lược cần có con người đủ kỹ năng quản lý và truyền cảm hứng cho cộng đồng phát triển du lịch. Sở đã lên kế hoạch, mỗi năm sẽ đưa 2 cán bộ ra nước ngoài đào tạo nghiên cứu sinh về du lịch. Đến 2015, mỗi năm khoảng 100 cán bộ được bồi dưỡng, đào tạo về quản lý, chuyên môn nghiệp vụ du lịch. Tuy nhiên, vẫn không ít người băn khoăn khi kinh phí và nhân lực để thúc đẩy chiến lược này vẫn là chuyện ngoài tầm tay với. Bởi không đề cập gì tới tiền thì không biết sẽ làm thế nào thực hiện được kế hoạch, kể cả sự đóng góp vào quỹ du lịch?